Bạn có thể tìm thấy những câu nói nhận đạo và đời sống hay nhất tại đây
MV ‘Cần một lý do’ đang giữ kỷ lục ‘video nhạc Việt bị ghét nhất’ với 800.000 lượt dislike sau gần 15 tiếng công chiếu. Chuyện gì đã xảy ra?
Đây không phải hiện tượng ngẫu nhiên. Trước đó vài ngày, trên các diễn đàn giải trí, một nhóm cư dân mạng đã lên kế hoạch “giội bom căm ghét (dislike)” video giới thiệu MV của K-ICM như một cách trả đũa việc anh mâu thuẫn với Jack – đồng nghiệp một thời gắn bó. Đoạn giới thiệu này đạt 800.000 lượt dislike sau 14 tiếng và hiện nhà sản xuất đã ẩn đi.
1 Bộ đôi Jack và K-ICM tan rã từ tháng 12-2019 khi Jack tố K-ICM và công ty quản lý đối xử bất công. Kể từ đó, cộng đồng hâm mộ của cả hai không ngừng tấn công người kia bằng nhiều hình thức. Nhiều khán giả cho rằng các hành vi bắt nạt qua mạng đã “đi quá xa”.
Từ khi Jack và K-ICM công khai mâu thuẫn và tan rã, K-ICM là nạn nhân thường xuyên của những lời chỉ trích mỗi khi anh có thêm bất cứ hoạt động nào (biểu diễn, tung hình ảnh, MV…).
Trong MV Cần một lý do, anh hóa thân người bị đâm sau lưng và gục ngã. Nhiều khán giả cho rằng K-ICM đưa chuyện đời thực vào âm nhạc.
Trước đây, Jack cũng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Nam ca sĩ bị miệt thị ngoại hình, bị chế giễu khi đạt MV thành tích tương tự Sơn Tùng M-TP hay bị chỉ trích nặng nề do tin đồn anh đòi “gạt tên” đồng nghiệp Quân A.P trong một chương trình truyền hình. Tin đồn này về sau bị cho là thất thiệt.
Là nghệ sĩ nổi tiếng, họ thường bị “soi” từ nhiều phía và hứng chịu phán xét cho mọi hành động dù nhỏ nhất.
Không chỉ video này, tháng 12-2019, MV Hoa vô sắc – sản phẩm chung cuối cùng của Jack và K-ICM – cũng nhận đến 700.000 lượt dislike. Hành vi này được cho là đến từ người hâm mộ của Jack vì MV Hoa vô sắc được đăng trên kênh YouTube của K-ICM.
Trong khi phía K-ICM coi đây là “bắt nạt qua mạng”, một nhóm khán giả (được cho là người hâm mộ của Jack) nói về vụ việc như một thắng lợi của cuộc đấu tranh chống lại “bất công”.
Có người còn mạnh miệng tuyên bố K-ICM phải “trả tiền cho Jack thì mới mong yên ổn hoạt động”, nhắc đến tranh chấp tiền bạc giữa cả hai.
Nhưng không thể chống lại bất công bằng cách tạo nên bất công khác. Trái lại, những người tham gia chỉ nhấn chìm bản thân trong vòng xoáy của căm ghét.
“Bắt nạt kẻ bắt nạt” (như cách nhiều người đang nghĩ) thực sự là một vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Tháng 5-2019, nam ca sĩ Justin Bieber từng trở thành nạn nhân bắt nạt theo cách này. Liên tục bị chỉ trích vì nhiều phát ngôn, Bieber than phiền: “Bắt nạt thực sự là giết người, giết nhiều người trẻ”.
Ngay lập tức, những người căm ghét phản hồi rằng Bieber xứng đáng bị bắt nạt vì từng hùa theo Kanye West chế giễu Taylor Swift trong quá khứ. Người nặng lời còn nói Bieber bị “nghiệp quật”. Những “búa rìu dư luận” khiến Bieber nhiều lần tiết lộ anh phải trị liệu tâm lý do trầm cảm.
Điều trùng hợp là gì? Bieber là nghệ sĩ có video bị ghét thứ nhì trong lịch sử. Đó là MV Baby với 11,1 triệu lượt dislike (đứng đầu là video YouTube Rewind 2018 với 17,6 triệu lượt).
Bản thân Taylor Swift, người hứng chịu không ít cuộc tấn công trên mạng, đã chọn xin lỗi và chấp nhận xin lỗi để hàn gắn tâm hồn và các mối quan hệ. Cô làm lành với Katy Perry sau nhiều năm bất hòa, tha thứ cho nghệ sĩ hài Nikki Glaser vì từng chế giễu cô.
Nếu lòng tốt tạo nên chuỗi đáp đền tiếp nối thì tiếc thay, sự căm ghét cũng tạo nên chuỗi hủy hoại tiếp nối.
Những cuộc tấn công qua lại khiến cộng đồng âm nhạc hay giải trí trở nên độc hại. Mọi tranh chấp pháp lý, như giữa Jack và K-ICM hiện nay, nên được giải quyết bằng pháp luật.
Mâu thuẫn không phải cái cớ để các bên nhấn chìm nhau trong các cuộc “giội bom căm ghét” vô nghĩa và mỏi mệt. Những người hâm mộ chân chính sẽ chỉ dành thời gian cổ vũ nghệ sĩ làm ra những sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh về chất lượng.
Nút “dislike” bị biến thành vũ khí
Theo The Verge, hành vi “giội bom căm ghét” hay “dùng nút dislike làm vũ khí” với các video từ lâu đã bị YouTube coi là hành vi tiêu cực trong ứng xử mạng. Nhiều năm nay, nút dislike thường xuyên bị lợi dụng để tấn công một đối tượng cụ thể, gây ra tổn thương tinh thần khó đo đếm.
Điều này tạo nên bức tranh méo mó, thiên vị và nặng mùi tấn công cá nhân, chứ không còn là những đánh giá khách quan. YouTube e ngại hành vi này nhưng cũng không thể bỏ nút dislike, vì đây vẫn là công cụ thể hiện quan điểm của cộng đồng.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Giải trí – Tags: bắt nạt qua mạng, K-ICM, MV Cần một lý do
Xem thêm nhiều thông tin khác tại đây: Xem ở đây
https://soyncanvas.vn/ hy vọng những thông tin này mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chân thành cảm ơn.