Bạn có thể tìm thấy những câu nói nhận đạo và đời sống hay nhất tại đây
Bộ phim Ký Sinh Trùng đoạt giải oscar khiến thế giới vỡ òa trong niềm vui sướng và tự hào. Đây là một bộ phim hay và chất lượng được nhiều người yêu thích và chia sẻ, tốn không ít giấy mực của nhà báo trong thời gian gần đây
Khi đạo diễn Bong Joon-ho bước lên sân khấu nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, ông hẳn đã tin rằng khoảnh khắc vinh quang nhất dành cho “Parasite” đến đây là… hết.
Vị đạo diễn chia sẻ hài hước trên sân khấu: “Tôi đã sẵn sàng uống hết mình kể từ tối nay cho tới sáng mai”. Ông đã nhận được một giải thưởng trước đó – giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Nhưng ông Bong sẽ còn phải quay trở lại sân khấu để nhận thêm hai tượng vàng nữa dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất (ông là đạo diễn Châu Á thứ hai nhận được vinh dự này, sau đạo diễn Lý An) và Phim hay nhất.
Chiến thắng “oanh tạc” của “Parasite” tại giải Oscar đã nằm ngoài mọi dự liệu, phim trở thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên trong lịch sử cùng lúc giành hai giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và Phim hay nhất trong suốt lịch sử 92 năm của giải Oscar.
“Tôi cảm thấy một khoảnh khắc lịch sử cần phải xảy ra cuối cùng đã đến vào ngay lúc này”, một thành viên trong ê-kíp làm phim “Parasite” chia sẻ khi họ bước lên nhận giải quan trọng nhất – giải Phim hay nhất.
Đã qua rồi cái thời phim không nói tiếng Anh chỉ có cơ hội ở các giải thưởng phụ. “Parasite” đã cho thấy một phim không nói tiếng Anh có thể cùng lúc hội tụ đủ nhiều yếu tố: phim ăn khách ngoài phòng vé quốc tế, đồng thời là phim đậm chất nghệ thuật thắng lớn tại các giải thưởng uy tín.
Trước đó, đạo diễn Bong đã có một câu nói rất hay về những bộ phim “không nói tiếng Anh”: “Một khi các bạn vượt qua được rào cản… cao một phần của những dòng phụ đề, các bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều phim gây sửng sốt”.
Giữa bối cảnh nền công nghiệp làm phim đề cao sự đa dạng văn hóa – chủng tộc, chiến thắng của “Parasite” đã đánh dấu một bước ngoặt đối với các phim không nói tiếng Anh tại thị trường Mỹ.
Thành công của “Parasite” xuất phát từ một hoàn cảnh đặc biệt mà không nhiều bộ phim khác có thể trải qua. Tại Châu Á, những nhà làm phim trẻ đang nỗ lực để “Parasite” không phải là một khoảnh khắc vinh quang ngắn ngủi, mà là dấu hiệu khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong điện ảnh. Hãy cùng phân tích những yếu tố làm nên thành công của “Parasite”:
Sự yếu thế xưa kia của những phim không nói tiếng Anh
Trước nay, phim không nói tiếng Anh được ra mắt tại thị trường Mỹ đều là những phim kinh phí thấp và đạt doanh thu thấp, phim cũng thường không được nhìn nhận đúng tầm tại các giải thưởng điện ảnh.
Giải Oscar trước đây cũng không trao nhiều cơ hội cho phim “nói tiếng nước ngoài”. Trước nay mới chỉ có 12 bộ phim từng được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cũng đồng thời được đề cử ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, nhưng chưa từng có phim nào giật về “cú đúp”.
Năm 2000, “Crouching Tiger, Hidden Dragon” (Ngọa hổ tàng long – 2000) của đạo diễn Lý An thu về 128 triệu USD từ phòng vé Bắc Mỹ, trở thành phim ngoại ngữ được sản xuất bên ngoài nước Mỹ có doanh thu cao nhất từng thấy tại thị trường này.
Khi ấy, người ta bắt đầu nhận thấy rằng khán giả Mỹ hóa ra cũng không ngại đọc phụ đề, nhưng sau đó cũng không có mấy phim Châu Á nối tiếp thành công của “Ngọa hổ tàng long” để giúp làm tăng vị thế của phim Châu Á tại thị trường này.
Bong Joon-ho và những nước cờ khôn ngoan
Điện ảnh Hàn Quốc đã từng có những bộ phim gây chú ý tại các LHP quốc tế, nhưng chỉ đạo diễn Bong là người biết cách để tạo cho mình lối đi thành công ra thế giới. Ông có những bước đi chiến lược khôn ngoan.
Giáo sư Jason Bechervaise, một giáo sư chuyên về ngành giải trí tại trường Đại học Korea Soongsil Cyber (Seoul, Hàn Quốc) nhìn nhận rằng: “Đạo diễn Bong có suy nghĩ vượt xa so với những đồng nghiệp khác. Ông ấy rất hiểu về nền công nghiệp làm phim”. Giáo sư Bechervaise đã từng viết luận văn về sự nghiệp của đạo diễn Bong.
Hồi năm 2013, đạo diễn Bong gây chú ý ở Hollywood với bộ phim “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá – 2013), đây là bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của ông, khi ấy, dịch vụ chiếu phim trực tuyến còn chưa được biết đến nhiều, “Snowpiercer” ngay sau thời gian ra rạp đã được chiếu trực tuyến và thu hút sự chú ý đối với phương thức “làm ăn” lạ lẫm của nó.
Năm 2017, bộ phim song ngữ “Okja” của ông Bong trở thành chủ đề tranh cãi tại LHP Cannes, không phải bởi nội dung bộ phim, mà bởi nhiều khán giả phản đối việc để một phim do kênh phim trực tuyến đặt hàng thực hiện được tham gia tranh giải tại LHP lâu đời nhất thế giới.
“Những tranh cãi này đều là tin tốt đối với Bong bởi người ta sẽ phải nói về ông, nhiều người sẽ biết đến ông với tư cách nhà làm phim”, giáo sư Bechervaise nhận định.
Sau khi đã được giới làm phim quốc tế biết đến qua một số sự việc kể trên, lại kết giao hữu hảo với một số nhân vật tên tuổi ở Hollywood như nữ diễn viên Tilda Swinton và đạo diễn Quentin Tarantino, đạo diễn Bong biết chắc rằng cho dù mình làm phim nói tiếng Hàn ở Hàn Quốc, thì vẫn sẽ nhận được sự chú ý…
Thế giới đang thay đổi, nền công nghiệp điện ảnh cũng đổi thay
Người xem điện ảnh giờ đây đang đề cao sự đa dạng văn hóa – chủng tộc trong nền công nghiệp làm phim. Việc một giải thưởng điện ảnh uy tín không có được sự đa dạng đó ngay lập tức sẽ vấp phải sự chỉ trích của truyền thông – công chúng.
Những phản ứng tiêu cực trước đây đã từng khiến ủy ban trao giải Oscar phải tăng số lượng thành viên chấm giải là nữ giới và thuộc các nhóm thiểu số, để đảm bảo tính đa dạng hiện diện nhiều hơn trong các đề cử Oscar.
Năm 2018 – 2019, chính sức mạnh từ mạng xã hội và những cộng đồng khán giả thiểu số đã giúp “Black Panther” (Báo đen) và “Crazy Rich Asians” (Con nhà siêu giàu Châu Á) đạt được những thành công lớn ngoài phòng vé.
Những thành công như vậy cho các hãng phim thấy rằng chính sự đa dạng văn hóa – chủng tộc sẽ giúp sinh ra lợi nhuận kinh tế, bởi những nhóm khán giả “thiểu số” đang dần có sức mạnh lớn hơn trong thị trường điện ảnh.
“Parasite” – một chuyện phim có tính toàn cầu
Hồi tháng 5/2019, “Parasite” ra mắt tại LHP Cannes và nhận được 8 phút vỗ tay vang dội, sau đó, phim nhận được giải Cành Cọ Vàng cao quý nhất.
Hồi tháng 10/2019, bộ phim bắt đầu ra rạp tại Mỹ và nhờ vào những bài bình phim đánh giá tích cực mà “Parasite” đã có được tuần công chiếu mở màn đạt doanh thu lớn nhất từng thấy đối với một phim quốc tế chiếu tại Mỹ.
Đương nhiên, thành công của “Parasite” không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố ngoại cảnh mà còn bởi chính chất lượng của bộ phim.
Bộ phim vẫn mang đặc trưng phong cách Hàn với những yếu tố cười ra nước mắt hoặc giật gân – kinh dị, nhưng chính cách phim khai thác sắc bén sự bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch đẳng cấp… đã giúp đưa lại một đề tài có tính phổ quát toàn cầu. Chính chất liệu đề tài đã giúp một bộ phim đậm chất Hàn tạo được sự cộng hưởng đối với người xem quốc tế.
Và cũng không thể bỏ qua yếu tố rằng bộ phim đã được thực hiện tại một trung tâm văn hóa – thời trang đang lên của thế giới. Sự thống trị ngày càng mạnh mẽ của K-pop đã giúp văn hóa Hàn được biết tới nhiều hơn trong thời gian qua.
Sức hấp dẫn còn tới từ chính đạo diễn Bong Joon-ho khi ông luôn xuất hiện với sự vui vẻ, tự nhiên cùng những phát ngôn thông minh tại các sự kiện điện ảnh. Ông nhanh chóng biết cách để biến mình trở thành một phần hấp dẫn tại các sự kiện và tạo nên luồng thông tin xoay quanh mình.
Bong chiếm được thiện cảm của Hollywood, điều này quan trọng bởi Oscar là nơi dạo chơi quen thuộc của các nhân vật làm việc ở Hollywood.
Khi nhà sản xuất chương trình lễ trao giải Oscar để ánh sáng tối dần báo hiệu kết thúc sự kiện, thì chính những người ngồi dưới hàng ghế khán giả bao gồm cả những ngôi sao như tài tử Tom Hanks đã cùng đồng thanh hô lên “More! More!” (Nữa! Nữa!) để đoàn phim “Parasite” có thể chia sẻ nhiều hơn và tận hưởng khoảnh khắc của họ lâu hơn trên sân khấu sáng đèn.
“Parasite” là cú hích và động lực
Thành công của “Parasite” không đảm bảo một sự thay đổi dài lâu. Mặc dù vậy nó đã tạo ra những cú hích, một số nhà làm phim Hàn Quốc cho biết rằng thành công của “Parasite” đã khiến họ nhận được sự đối đãi kiểu khác khi có phim tham gia các LHP quốc tế.
Đạo diễn Kim Yong-hoon cho hay ông đã nhận thấy sự thay đổi trong cách mọi người đón nhận phim mới của mình khi đem đi dự một số LHP: “Tôi nhận thấy sự quan tâm lớn hơn trước, không chỉ từ ban tổ chức và còn từ khán giả. Giờ đây, người ta biết rằng có những nhà làm thú vị ở Hàn Quốc. Tôi nghĩ ‘Parasite’ là một dấu mốc và cũng là động lực. Đây là một cơ hội lớn”.
Theo Báo Dân Trí
Giải trí – Tags: giải Oscar, phim “Ký sinh trùng”, tin tức giải trí
Xem thêm nhiều thông tin khác tại đây: Xem tại đây
soyncanvas hy vọng những thông tin này mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chân thành cảm ơn.